image banner
Truyền thống văn hóa

Long Thuận là vùng đất mới được khai phá từ trào lưu “Nam tiến” của lưu dân người Việt vào chinh phục vùng đất phương Nam, tính đến nay đã hơn ba thế kỷ. Đến vùng đất mới hoang vu, rừng rậm, thú dữ, muỗi mòng, tuy nhiều tiềm năng nhưng cũng hết sức khắc nghiệt, các thế hệ cư dân nơi đây đã vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm sản xuất từ bản quán, cải tạo, biến đổi phù hợp với vùng đất mới. Để thích ứng và tồn tại nơi đây, các thế hệ cư dân đầu tiên đã kế thừa truyền thống văn hóa của quê hương, đồng thời nêu cao tinh thần thượng võ, thắt chặt tình đoàn kết để tồn tại và phát triển. Quá trình chinh phục tự nhiên, cần cù lao động, ngăn chặn thú dữ, xây nhà, dựng đình, lập miễu, cất chợ, đắp đường, đào ao… đã tạo nên đặc trưng văn hóa của cư dân Long Thuận, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến nay.

Nguồn gốc của lưu dân người Việt ở Long Thuận xuất phát từ miền Trung, họ vốn là con cháu của những người khí phách hiên ngang, không cam chịu sống trong cảnh áp bức bất công, bất mãn với tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn đánh nhau liên miên nên đã rời bỏ quê hương tìm đến vùng bưng trấp hoang vu để tạo dựng cuộc sống mới. Thuở ban đầu, cộng đồng dân cư còn thưa thớt, vì vậy yếu tố đoàn kết, giúp đỡ và nương tựa nhau được đặt lên hàng đầu. Từ đó, các thế hệ tiếp theo luôn giữ gìn và phát huy các chuẩn mực đạo đức của cha ông, hình thành nên truyền thống đoàn kết, gắn bó “tình làng nghĩa xóm”, tinh thần cao cả “lá lành đùm lá rách”, góp phần hình thành tính cách của người dân Nam Bộ luôn hiếu khách, cởi mở và phóng khoáng.

Về phong tục, tập quán, cư dân nơi đây kế thừa từ quê cũ (miền Trung), biến đổi để phù hợp và thích nghi với điều kiện tự nhiên-xã hội ở vùng đất mới. Trong mối quan hệ gia đình, vai trò của người đàn ông rất quan trọng, là người quyết định hầu hết các việc lớn nhỏ trong gia đình cũng như tham gia vào công việc xã hội. Người phụ nữ chủ yếu quán xuyến việc nội trợ, chăm sóc con cái. Đối với cư dân vùng đất này, đạo hiếu là chuẩn mực đạo đức hàng đầu vì thế việc tang ma, giỗ chạp, thờ phụng ông bà và phụng dưỡng cha mẹ được xem trọng. Ngoài ra, những nghi lễ đời thường như cưới xin, tết nhất, đầy tháng, đầy năm...ở nơi đây cũng giống như những địa phương khác ở Nam Bộ. Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn phong tục tập quán ở Long Thuận ít nhiều bị mai một, một số phong tục, tập quán đã không còn.

Về tín ngưỡng, hầu hết cư dân Long Thuận qua bao đời nay đều trồng lúa nước nên họ coi trọng việc thực hiện các lễ nghi nông nghiệp, cầu quốc thới dân an, mùa màng tươi tốt, nhân dân an cư lạc nghiệp. Những lễ nghi này được thực hiện tại cơ sở thờ tự công cộng như đình, miễu và tại tư gia.

Hiện nay, trên địa bàn xã còn tồn tại 02 ngôi đình là đình Hội Ngãi và đình Mỹ Thuận. Đình Hội Ngãi (ấp 1) là nơi tín ngưỡng của nhân dân địa phương, hàng năm vào ngày 16/2 âm lịch, đình tổ chức lễ Kỳ yên long trọng, thu hút đông đảo người dân tham dự. Đình Mỹ Thuận (ấp 2) tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 16/2 âm lịch, thu hút khá đông nhân dân đến dự.

Thờ Bà Chúa Xứ là yếu tố tín ngưỡng dân gian của nhân dân Long Thuận, được hình thành từ lâu đời. Khi lưu dân người Việt từ miền Trung vào khai phá vùng đất này, trong tâm thức họ vẫn còn mang những yếu tố văn hóa-tín ngưỡng của vùng quê cũ, các yếu tố này được bảo tồn và phát huy một cách tự nhiên, trên cơ sở những biến đổi để thích nghi với cuộc sống mới, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu-tín ngưỡng phổ biến của người Việt. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng Bà Chúa Xứ tại miễu Mương Đào ngày 19/2 âm lịch.

Về tôn giáo, xã Long Thuận hiện có một thánh thất đạo Cao Đài, có khoảng trên dưới 100 tín đồ, đa số là người dân địa phương, một số ít tín đồ từ nơi khác đến.

Về nghề truyền thống, đại đa số nhân dân địa phương sống bằng nghề nông, làm ruộng và chăn nuôi. Trước đây, trong những lúc nông nhàn, một bộ phận nông dân sinh sống bằng nghề đan đệm bàng bằng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Hiện nay, nghề đan đệm dần mai một và không còn.

Long Thuận là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Truyền thống này là nguồn sức mạnh tinh thần quan trọng, tạo nền vững chắc để Đảng bộ và nhân dân địa phương vững bước trên con đường đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển quê hương.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh